KHUYNH HƯỚNG TỔNG HỢP

Khuynh Hướng Tổng Hợp
trên Thế Giới

A. Tống Quát
Trong khoảng vài thập niên gần đây có một chữ được nhắc ngày càng nhiều ngụ ý một trật tự mới của thế giới, đó là chữ ‘toàn cầu - global’. Về một mặt, đặc tính toàn cầu nẩy sinh vì:
– Tiến bộ kỹ thuật cho phép con người di chuyển mau lẹ từ nơi này sang nơi khác trên địa cầu, quả đất dường như nhỏ lại.
– Hệ thống truyền thông ngày càng tinh xảo, sự liên lạc càng lúc càng dễ dàng.
– Thương mại phát triển, các hãng xưởng mở rộng thị trường và màng lưới kinh doanh.
Tính cách toàn cầu dần dần chuyển biến sang tính cách tổng hợp, điển hình là nỗi ước ao hiện giờ về một tôn giáo mới chung cho địa cầu, một ngôn ngữ chung cho mọi người; trong phạm vi nhỏ, đó là dự định thống nhất các nưới Âu châu với một đon vị tiền tệ chung.
Về một mặt khác, đặc tính toàn cầu hay tổng hợp còn được khởi phát vì các lý do sau:
– Mức phát triển tinh thần của nhân loại
– Giống dân mới ra đời
– Chấm dứt chu kỳ Song Ngư Pisces và khởi sự chu kỳ Bảo Bình Aquarius.
– Đức Di Lặc (Christ) tái hiện
– Ảnh hưởng cung 7
Trong các số này ba việc chót có ảnh hưởng mạnh hơn cả.
– Chu kỳ Bảo Bình gọi giản dị là Tân Kỷ Nguyên, có đặc tính nổi bật là tổng hợp, năng lực của tân kỷ nguyên, kích thích tinh thần đại đồng và khuynh hướng hòa hợp, thôi thúc kết đoàn, tụ hội.
– Năng lực của Đức Di Lặc giúp tăng trưởng tình huynh đệ, phát triển và biểu lộ tâm thức nhóm, thông cảm chung; sinh ra khuynh hướng mới mạnh mẽ về sự hợp nhất.
– Cung 6 cho ra lý tưởng tôn giáo có hơi chật hẹp, thì cung 7 giải thoát linh hồn đã trưởng thành khỏi hình thức không xứng với nó nữa, khai mở sự hiểu biết về Thiên Ý một cách khoa học, dẫn tới sự tổng hợp tín ngưỡng. Nó chuẩn bị cho việc nhận biết các đặc tính của tôn giáo mới, nhấn mạnh tính hợp nhất mà bác bỏ sự đồng nhất.
– Sau chót, từ quyết định là tâm thức con người cần được mở rộng và thúc đẩy tiến bước, lực từ trung tâm Shamballa tuôn xuống không phải mới đây mà từ lâu. Như mọi chuyện trong thiên nhiên ảnh hưởng sinh ra từ từ và chậm chạp, cái biểu lộ đầu tiên thấy vào thế kỷ 18 và 19 qua việc thành lập nước Đức và Ý, bằng cách thống nhất các miền của lãnh chúa hay vương hầu.

B. Ba Ngành Hoạt Động
Chúng ta học là sinh hoạt con người được chia làm bẩy ngành tương ứng với bẩy cung, trong giai đoạn giao thời hiện nay giữa hai kỷ nguyên, ba ngành đang làm việc ráo riết nhất về mặt tổng hợp là:
1. Chính Trị
Mục đích việc làm ở đây là phát triển và xây dựng một tâm thức quốc tế. Nỗ lực này đi theo đường cung một về chính trị, quyền lực và ý chí lẫn cung sáu, bẩy chuyên về sự biểu lộ của tinh thần (Thiên Ý là từ Shamballa) qua vật chất (địa cầu). Ta có những hội đoàn, trường phái tư tưởng, những người làm việc thuộc ba cung một, bẩy và sáu; họ có trách nhiệm cho thấy sự cần thiết phải tổng hợp kinh tế, liên kết quốc gia với nhau trong tinh thần hỗ tương. Họ khiến các nước ý thức rằng về mặt chính trị, sự cô lập, chia rẽ và tinh thần dân tộc vị kỷ không có chỗ đứng, cũng như sự kỳ thị chủng tộc và óc tự cao về quốc gia tạo nên trở ngại cho sự  phát triển chân thật của nhân loại. Từ nhận biết này, điểm thiết yếu là sinh ra tinh thần mới về tương giao quốc tế mà không phải là tạo một cõi thiên đàng lý tưởng - vốn là chuyện bất khả - hay tạo ra những điều kiện làm một nhóm dùng uy lực bắt nhóm khác quy phục.
Công việc trước mặt của nhóm phụng sự là tuyên bố những quy luật bang giao giữa các nước với nhau, hầu thành lập một liên bang các quốc gia, thuyết phục lãnh tụ các nước chú ý tới đề nghị này để qua họ, đánh thức quần chúng từ từ về ý nghĩa thực của tình huynh đệ. Có lẽ đây là phần công tác khó khăn nhất bởi sự thù hận chủng tộc cùng ước vọng mỗi nước           quá đỗi to tát, sự vô minh của quần chúng thật lớn lao, nên phải có sự hợp lực của ba nhóm thuộc ba cung một, bẩy và sáu làm hết sức mình hầu gây ấn tượng cho tâm lý khối đông. Còn rất nhiều điều phải được hủy diệt mới làm các quốc gia nhậy cảm thấy ra viễn ảnh, và nhìn nhận rằng mình cần đến nhau. Ít ra trong lúc này, các đe dọa về môi sinh thúc đẩy thế giới tiến theo chiều hướng thuận lợi.
Có hai điểm cần bàn ở đây.
– Vào đầu mỗi kỷ nguyên, năng lực loại mới không được tiếp nhận toàn hảo khi tuôn xuống bởi còn ít người có khí chất hợp với năng lực, chưa quen sử dụng, cũng như mức phát triển tâm linh chưa tới mức giúp họ thu nhận lực hoàn toàn. Cho nên ban đầu lực biểu diễn một cách vụng về, thái quá, thô bạo. Hơn nữa, thiên ý từ trên cao đi xuống cõi thấp không sao tránh được việc bị biến thể, bẻ cong, mà chủ thuyết Cộng Sản là thí dụ. Hai nhận xét trên giải thích phần nào sự tàn ác, khốc liệt của những phong trào cách mạng lúc gần đây.
– Kẻ khởi xướng các phong trào quốc gia thường không biết tới cái động lực nằm sau công việc của họ, và lắm khi không giải nghĩa được lý tưởng mà họ nhắm tới, gọi nó là tham vọng hay uy lực. Thực ra họ nhậy cảm với những tư tưởng đang được các ngài đưa vào tâm trí họ. Những người ấy đáp ứng lại ý niệm về bình đẳng trong nhân loại, mậu dịch quốc tế, phân phối tài sản, nhưng vì sự tổng hợp bên trong các nỗ lực đó không được nhấn mạnh, vì không có sự hiểu biết tổng quát về nguồn cội những ý tưởng trên cùng mục tiêu là tình huynh đệ, các ý tưởng bị biến dạng, áp dụng một cách vị kỷ và riêng rẽ, và ngọn lửa kỳ thị chủng tộc, lòng hãnh diện về giống nòi vẫn bừng bừng.

2. Tôn Giáo
Công việc nhắm tới là gầy dựng khắp nơi óc hiểu biết về bản chất của sự sống, khêu gợi cho lớn dần cái tâm thức tinh thần. Dù khối đông trì trệ ở mọi nơi gần như không biết gì về mặt tinh thần, lắm kẻ vô thần, hay lặng thinh chịu sự kiểm soát của giáo hội, trong lòng họ đều có mầm từ ái với đặc tính mở rộng, bao trùm, dễ dàng có trực giác nhận ra ý tổng hợp là có một đấng Cha Lành chung cho tất cả mọi người.
Vì thất học, khối đông dân chúng đông phương tạo nên vấn đề nghiêm trọng hơn người tây phương, bởi họ không biết đền khuynh hướng hiện thời trên địa cầu về tín ngưỡng, dân chúng dễ dàng bị khích động, kiểm soát bởi ai cuồng tín khéo dẫn dụ. Những người làm việc thuộc cung hai ở Ấn Độ, Nhật, Syria như vậy có công tác khác với bạn đạo của họ ở Mỹ hay Âu châu, là phải vừa làm con người thức tỉnh với châu ngọc trong tôn giáo của mình, vừa trình bầy vai trò của Thiên Chúa giáo trong kế hoạch chung.
Mặt khác ở Mỹ đã có sự nhìn nhận rằng ngày Phật giáo truyền vào đất Mỹ, là ngày quan trọng cho nền văn minh  tinh thần nơi ấy; còn ở Âu châu, do công trình của các học giả, ngọc quí đông phương được chứng minh có giá trị ngang hàng với chân lý trong Thiên Chúa giáo.
Ta hãy nói rộng đôi chút về hai ý.
– Có lời tiên đoán rằng vào năm 2025 tổ chức Liên Bang các Quốc Gia trên thế giới sẽ thành hình. Nhưng ta chớ vội mừng rằng đó là cộng đồng gồm đủ các nước, và có một tôn giáo thế giới tuyệt hảo đi kèm. Thiên nhiên không đi lẹ như vậy, tuy nhiên khái niệm ấy sẽ được nhìn nhận mọi nơi, thành ao ước chung được mọi người gắng công thực hiện mà khi hội đủ các yếu tố, chẳng gì cản trở được việc khái niệm thành hình.
– Tầm quan trọng của Thiên Chúa giáo nằm ở điểm ấy là tôn giáo bắc cầu, được biểu lộ qua việc đất Palestine nơi đức Chúa xuất hiện có vị trí giữa Á và Âu châu, và chia sẻ đặc tính cả hai vùng. Thiên Chúa giáo là tôn giáo của thời kỳ chuyển tiếp, nối liền kỷ nguyên của tâm thức cá nhân (Song Ngư) sang kỷ nguyên của  tâm thức nhóm (Bảo Bình), của tư tưởng nối liền trí cụ thể và trí trừu tượng.
Thiên Chúa giáo chính ra là tôn giáo chỉ sự phân ngăn, cho con người thấy bản tính song đôi (nhân tính và thiên tính), và do đó đặt nền móng cho sự hợp nhất sau này. Tôn giáo ấy đã làm xong phần việc của nó trong thiên cơ và giờ bước qua giai đoạn rút lui dần, tuy rằng hình thức của tôn giáo mới chưa ló dạng. Có nhiều tính chất và phương tiện tương ứng để diễn tả, nhưng trong một thời gian ngắn nữa với trí óc được soi sáng, con người sẽ thấy các khía cạnh thiêng liêng mà từ trước tới nay vẫn được giữ kín.

3. Khoa Học
Nhóm này có mục tiêu rõ ràng là mở mang tâm thức con người, nới rộng tầm mắt và mang lại kết quả là sự tổng hợp được thành tựu giữa cái vô hình và hữu hình. Làm được vậy nó sẽ đưa con người vào một thế giới mới, trạng thái tâm hồn và thức tỉnh mới với sự đóng góp từ các môn giáo dục, khoa học và tâm lỳ. Sự việc sẽ dễ hiểu hơn khi ta ý thức rằng cung ba và cung năm chưa bao giờ hoạt động rõ ràng, mạnh mẽ như hôm nay, và số khoa học gia hiện thời nhiều hơn tổng số khoa học gia đã có từ khi tạo thiên lập địa tới giờ.
Thời kỳ Song Ngư cho ra con người đầy lý tưởng, nhưng lý tưởng ấy và đời sống họ ở cõi trần là hai biểu lộ riêng biệt của một cá nhân, chúng cách xa nhau, hiếm khi hòa hợp nhập làm một. Thời kỳ Bảo Bình thể hiện những lý tưởng cao cả vì sẽ có hiểu biết đúng đắn, tức đường liên lạc cái trí giữa tinh thần và não bộ ngày càng được chấn chỉnh hơn, cũng như trí tuệ được dùng ngày càng nhiều vào hai việc: vừa đi sâu vào thế giới tư tưởng vừa soi sáng đời sống ở cõi trần. Tức khám phá những điều kỳ diệu còn được che dấu của thiên nhiên, và thúc đẩy sự phát triển những quyền năng ẩn tàng trong con người. Những quyền năng ấy khi được khơi dậy trở thành phần mở rộng của ngũ quan, cho phép con người đi vào cái thế giới bí ẩn của vật chất từ lâu bị vô minh khóa cửa.
Phần này có thể được tóm tắt như sau:
Ngành Chính Trị: Cung 1, 6, 7 lo về mặt tổ chức chính phủ và tổng hợp, sinh ra nền văn minh mới.
Ngành Tôn Giáo: Cung 2, 4 chuẩn bị việc đức Chúa (đức Di Lặc) tái xuất hiện và đặt nền tảng cho tôn giáo mới.
Ngành Khoa Học: Cung 3, 5 soi sáng trí tuệ.
Tuy công việc được thực hiện song song  trong ba ngành hoạt động của con người, kết quả vẫn là một nỗ lực chung được hướng dẫn để sinh ra tổng hợp, một chuẩn bị vĩ đại cho những kỳ diệu của tương lai.

C  Vài Phương Thức Làm Việc
Nhìn sơ qua cách làm việc của từng cung trong giai đoạn tới là một điều thú vị, nó cho ta một ý niệm về kế hoạch chung và những nét chính mà chúng ta có thể góp phần.
1. Ashram cung một
Hết sức bận rộn, năng lực tổng hợp tác động mạnh nhất xuyên qua đây, vì cung một cho ra đường lối ít trở ngại nhất. Cung một sẽ hạ mức rung động của lực và phân phối sang những cung khác; ở cõi trần thành viên cung một chuẩn bị lo về mặt tổng hợp chính trị và chính phủ, cùng đảo ngược các khuynh hướng sai lầm về tổng hợp, tìm cách duy trì tự do trong hợp nhất. Đó là sự tổng hợp bên trong mà biểu lộ ra ngoài bằng sự phân hóa, ta có nhiều sắc thái của tính hợp nhất căn bản được khích động do lực ở trên và mang lại kết quả sau cùng là thông cảm và hòa bình trên địa cầu. Nền hòa bình này vẫn giữ gìn dân tộc tính và văn hóa các nước, nhưng cả hai phục vụ cho ich lợi chung của toàn khối nhân loại.
Người cung một sẽ bắt đầu bằng cách khởi xướng rồi gầy dựng mối tương quan đúng đắn giữa con người, dẫn đến tâm thức mới thiên về trực giác; nó sẽ làm thay đổi ý thức chính trị và khung cảnh sinh hoạt của các quốc gia, khiến các nước phải chấp nhận một số giá trị chung (thí dụ quyền dân tộc tự quyết). Cung một sẽ hợp tác chặt chẽ với cung hai, đặc biệt nhóm có nhiệm vụ giáo dục quần chúng về những giá trị đúng thực hơn.

2. Ashram cung hai
Có nỗ lực về hai việc chính: chuẩn bị sự tái xuất hiện của đức Chúa và giáo dục quần chúng. Việc sau được thực hiện phàn lớn qua các nhà giáo dục và những ai liên hệ đến chuyện giảng huấn tôn giáo ở mọi nơi. Nói khác đi, cung hai kiểm soát những lực tạo tác.
– Người cung hai sẽ chọn lựa tái sinh để làm việc được cơ quan giáo dục, tạo áp lực để cải thiện phương pháp lỗi thời vốn dựa trên sự ganh đua và lòng ích kỷ. Chúng sẽ được chấm dứt và thay thế bằng thái độ hợp tác, mối tương giao đúng đắn giữa con người mà không làm tổn hại đến việc học hỏi kiến thức phổ thông. Cái viễn ảnh sẽ khác, và mục tiêu sẽ thuộc hạng cao hơn; những gì tốt đẹp nhất trong khoa học và nghệ thuật hiện giờ vẫn được trình bầy, nhưng với óc sáng suốt hơn và được nhấn mạnh ở điểm phù hợp hơn với nhu cầu con người.
– Và cũng có người chọn làm việc trong các giáo hội, giúp loại bỏ những thuyết thần học cũ kỹ, cổ xưa, thay vào đó là tham thiền để thích ứng hợp lý với thời đại mới, cùng tạo ra viễn ảnh xác đáng. Các giáo hội do lạm dụng uy quyền và không có viễn kiến sẽ không thể tránh việc bị hủy hoại, nhưng từ đổ nát đó hàng giáo phẩm nào có sáng suốt tâm linh, hiểu biết chân thực mà không có óc giáo điều và ghét quyền hành, sẽ làm phát triển tôn giáo mới.

3. Ashram cung năm
Thành viên của Ashram này có nhiệm vụ mang lại lợi ích của thời đại nguyên tử cho con người, họ sẽ chứng minh rằng hiện tượng trong những cõi ta sống hằng ngày (trí, tình cảm, hồng trần) chỉ là năng lực dưới dạng này hay kia. Do nỗ lực của họ, nền văn minh mới sẽ thành hình, và trong đó con người có nhiều giờ nhàn rỗi, dành cho việc học hỏi sâu xa hơn và có hoạt động chính trị tinh thần. Khoa học sẽ tạo nên thế giới không cần sức lao động như ta thấy ngày nay, những  đòi hỏi trong cuộc sống hằng ngày được khoa học giải quyết – không phải để làm con người thoải mái hơn, hóa thành người máy hay ích kỷ hơn – mà đó là một khía cạnh và kết quả của tự do đúng thực. Con người được rảnh rang để suy gẫm, sáng tạo ra những bộ môn văn hóa mới, mở mang óc trừu tượng và thử nghiệm lại kết quả bằng óc cụ thể.
Tinh thần và vật chất do vậy được nối kết, thể hiện nhờ việc làm của người cung năm, do việc dùng năng lực một cách khoa học mà thế giới được xây dựng mới mẻ lại, và cõi vô hình được chứng thực.
Đây là ba Ashram chính đang xuất hiện trước, khi phần việc của họ đã xong, những Ashram khác sẽ lần lượt gửi thành viên ra đời để hợp tác và tiếp tục công chuyện. Dưới đây ta nói thêm vài điều về Ashram cung ba, cái sẽ đến ngay sau ba nhóm trên.
Nhóm cung ba đảm nhiệm việc tái chỉnh trang mặt tài chính trên thế giới; nền văn minh mới sẽ nhìn nhận nguyên tắc chia sẻ là động lực thúc đẩy nhưng nó không có nghĩa  là nhân loại sẽ có thái độ dễ thương, ngọt ngào, đầy nhân ái. Thế giới sẽ vẫn còn đầy người ích kỷ, vị kỷ, nhưng quan điểm chung thay đổi khiến cho thương mại được kích thích bởi một số lý tưởng căn bản mà quần chúng tán đồng. Người ta sẽ đặt câu hỏi thẳng thắn về óc duy vật hiện nay trong đời, cũng như thái độ thích hợp về lối sống vật chất và cách phân phối hợp lý là những vấn đề khác mà Ashram này phải giải quyết. Công tác vĩ đại và tầm quan trọng lớn lao khiến cho có rất nhiều thành viên đang làm việc mà ta không nhận biết nếu vô tình: nhà tư bản, tài phiệt, lãnh tụ nghiệp đoàn, chuyên viên tài chánh, học giả, lý thuyết gia đều có thể là người thuộc Ashram. Họ có thể bị coi là không có xu hướng tâm linh, nhưng trên thực tế họ đầy nét tinh thần đúng mực mà không phô trương, hay gán cho mình một nhãn hiệu bí truyền.

D. Ứng Dụng vào đời sống riêng.
Từ sự hiểu biết rộng rãi trở về môi trường nhỏ bé của một cá nhân, người ta có thể đặt câu hỏi rất đúng là  chi tiết trên có ích lợi gì cho ai muốn giúp đời ?
Điều mà nhân loại cần hôm nay là ý thức rằng có một chương trình đang thực sự diễn ra trên địa cầu, và những gì xẩy ra trong quá khứ phù hợp với chương trình ấy. Và nếu như vậy, phải có những đấng lập ra chương trình và chịu trách nhiệm việc thi hành. Dầu thế, không một điều gì có giá trị chân thật lại do việc làm độc đoán, toàn quyền của Thiên Đoàn mà thành. Tức cái ý chí tự do của con người phải được tôn trọng, và Thiên Đoàn làm việc xuyên qua cá nhân hay nhóm, giúp con người ở khắp nơi sinh ra nhận thức là có một chính phủ bên trong trên địa cầu, và nhân loại có thể làm việc chung với nhau để tạo tân kỷ nguyên. Đây không phải là việc mơ hồ xa xôi huyền bí, bởi nó đang xẩy ra.
Có nhiều bước cần thấu triệt nếu ta muốn góp phần.
● Bước đầu tiên là có viễn ảnh về sự tổng hợp trên thế giới như liên bang các nước, hỗ tương kinh tế, thống nhất tôn giáo cùng những mối tương giao trong xã hội và quốc gia. Nó không là mơ ước thần tiên mà được coi là thực tế đang dần thành hình.
● Bước kế là tìm hiểu những yếu tố cản trở. Liệt kê chúng là điều nên làm vì ta cần có một cái nhìn rõ ràng về sự việc: ích kỷ trong giới chủ nhân và lao động, tham vọng mù quáng quốc gia, óc bấu víu chủ nghĩa thuộc địa, không thật lòng do sợ hãi và ảo tưởng. Quốc gia nào cũng có những tính này mà người dân đầy thiện ý nhưng yếu lòng thường tránh giải quyết, và dù nhiều, chúng có thể truy nguyên từ một nét chính là lòng ích kỷ về mặt quốc gia, chủng tộc, chính trị, tôn giáo và cá nhân.
● Bước thứ ba là chọn phương pháp giải trừ, trong đó vài đề nghị được nêu ra như sau.
– Loại trừ khỏi tâm thức chúng ta lòng sợ hãi, thành kiến và ghét bỏ, thay bằng tính khoan dung và lòng vô hại – harmlessness.
– Nhưng trên hết thẩy là vun bồi tánh tổng hợp. Tánh này có sẵn trong tâm mỗi người và cho ra khuynh hướng kết đoàn, sống tụ với nhau. Xét về mặt tâm linh, mỗi linh hồn đều phát xuất từ một nguồn chung và trong tâm thức không hề có sự chia rẽ giữa các linh hồn. Đi xa hơn ta có thể nói không có gì là tội lỗi trong đời, mà chỉ có một tội là óc chia rẽ. Trong đời sống hằng ngày con người có thể nỗ lực để hòa hợp với mọi sự sống, từ khước khuynh hướng phân ly (và ấy là tại sao không nên có lòng ghét bỏ vì nó sinh ra cách biệt).
Hình chữ thập được dùng để trình bầy những mối tương quan của con người trên địa cầu:
– Hướng lên những thế giới vô hình chưa biết.
– Đi xuống những loài thấp hơn người.
– Ra ngoài môi trường chung quanh và thế giới con người.
– Vào bên trong bản chất thiêng liêng của mình tức sự tổng hợp, toàn phần.
Kết hợp, thống nhất là chiều hướng làm việc hiện nay, và được nhắc tới trong nhiều sách vở, bởi muốn thực hiện một thế giới mới, nó cân sự lưu tâm và góp sức của tất cả mọi người.

Tham khảo:
- The Externalisation of the Hierachy, A. A. Bailey
- Discipleship in the New Age, Vol. 1, 2. A. A. Bailey
- Esoteric Psychology, Vol 1, 2. A. A. Bailey

 

Geese